Giúp HS:
1.Về kiến thức:
-Hiểu, cảm phục và tự hào về tài năng, đức độ lớn của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đồng thời hiểu được những đạo lí quý báu cũng là bài học làm người mà ông để lại cho đời sau.
- Thấy được cái hay, sức hấp dẫn của một đoạn văn sử kí giàu chất văn học qua nghệ thuật kể chuyện và khắc hoạ chân dung nhân vật lịch sử của sử gia.
2. Về kĩ năng:
- Có kĩ năng đọc-hiểu một tác phẩm lịch sử ở thời trung đại.
9 trang |
Chia sẻ: quynhsim | Lượt xem: 402 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tuần 22 - Tiết 68: Đọc văn: Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày 23 tháng 2 năm 2008
Tuần 22
Tiết 68: Đọc văn:
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
(Trích Đại Việt sử kí toàn thư)
Ngô Sĩ Liên
A.Mục tiêu bài học
Giúp HS:
1.Về kiến thức:
-Hiểu, cảm phục và tự hào về tài năng, đức độ lớn của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đồng thời hiểu được những đạo lí quý báu cũng là bài học làm người mà ông để lại cho đời sau.
- Thấy được cái hay, sức hấp dẫn của một đoạn văn sử kí giàu chất văn học qua nghệ thuật kể chuyện và khắc hoạ chân dung nhân vật lịch sử của sử gia.
2. Về kĩ năng:
- Có kĩ năng đọc-hiểu một tác phẩm lịch sử ở thời trung đại.
3. Về thái độ:
- Có thái độ yêu mến, trân trọng tự hào về các giá trị văn hóa của dân tộc.
B.Chuẩn bị
1. Giáo viên
- SGK, SGV,thiết kế bài học, tư liệu tham khảo
- Thiết kế bài học trên phần mềm Powerpoint,bảng phụ, phiếu học tập
2. Học sinh
-SGK, bài soạn
-Bảng phụ
C.Phương pháp
Đọc diễn cảm,đối thoại thảo luận, gợi tìm .
D. Tiến trình tổ chức các hoạt động.
Hoạt động của giáo viên và học sinh
Kiến thức cần đạt
Hoạt động 1:GV kiểm tra bài cũ (5 phút)
-GV phát phiếu kiểm tra bài cũ gồm 3 câu:
Câu 1 : Ngô Sĩ Liên thi đỗ tiến sĩ thời nào và làm quan trong khoảng thời gian nào?
A. Đỗ tiến sĩ thời Lê Thái Tổ; làm quan dưới triều Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông
B. Đỗ tiến sĩ thời Lê Thánh Tông; làm quan dưới triều Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông
C. Đỗ tiến sĩ thời Lê Thánh Tông; làm quan dưới triều Lê Thánh Tông và Lê Thái Tông
D. Đỗ tiến sĩ dưới thời Lê Thái Tông; làm quan dưới triều Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông
Đáp án : D
Câu 2: Dòng nào có thể điền vào các chỗ trống để hoàn thành một cách chuẩn xác đoạn văn sau
Vâng lệnh vua... ông cất công biên soạn bộ...lớn của Việt Nam thời trung đại. Sách có tên là ...Bộ sách đồ sộ này đã ghi chép chi tiết bao quát cả một thời gian mấy ngàn năm lịch sử từ thời... cho đến khi...lên ngôi (1428)
A. Lê Thánh Tông/dã sử/ "Đại Việt sử kí"/hồng hoang/Lê Thái Tổ
B. Lê Thánh Tông/chính sử/ "Đại Việt sử kí toàn thư"/Hồng Bàng/Lê Thái Tổ
C. Lê Thánh Tông/ngoại truyện/"Đại Việt sử kí toàn thư"/hồng hoang/Lê Thái Tông
Đáp án : B
Câu 3: Viết lời bình ngắn gọn về chủ trương "khoan thư sức dân" trong kế sách giữ nước mà Trần Quốc Tuấn tâu lên vua Trần?
HS làm việc cá nhân câu 1, câu 2
Câu 3: học sinh chuẩn bị ở nhà theo hai nhóm; cử đại diện trình bày trên giấy khổ A0; các nhóm còn lại nhận xét
GV nhận xét, bổ sung và cho điểm
GV dẫn lời vào bài
Chủ trương "khoan thư sức dân" để làm kế "sâu rễ bền gốc", đó là thượng sách mà Hưng Đạo Đại Vương tâu lên vua Trần. Kế sách ấy vừa bừng sáng vẻ đẹp của trí tuệ và một nhãn quan sắc sảo; vừa tỏa sáng vẻ đẹp của lòng trung hiếu với nước với dân. Câu chuyện về Trần Quốc Tuấn còn được sử gia kể qua nhiều sự kiện, chi tiết trong đoạn trích chúng ta cùng tìm hiểu ở tiết 2 của bài
Hoạt động 2: GV hướng dẫn HS đọc-hiểu văn bản ( 25 phút)
-GV gọi HS đọc đoạn 2-từ chỗ "Quốc Tuấn là con...Quốc Tảng vào viếng"
HS đọc, GV nhận xét
-GV nêu câu hỏi
+Đoạn này, nhà viết sử kể chuyện về Trần Quốc Tuấn như thế nào?
HS trả lời cá nhân
GV dẫn dắt: Từ sự kiện hiện tại, Hưng Đạo Đại Vương ốm, vua Trần đến thăm, ông nói với vua những lời tâm huyết, nhà viết sử đã ngược dòng thời gian để kể chuyện về Trần Quốc Tuấn. Tác giả khéo léo cho người đọc biết Hưng Đạo Đại Vương là con trai An Sinh Vương, xuất thân từ gia đình quý tộc cao cấp, dung mạo khôi ngô, tài năng xuất chúng và những sự kiện đáng nhớ trong đời
-GV nêu câu hỏi :theo em, sự kiện đáng chú ý nhất trong đời Hưng Đạo Đại Vương đã được sử gia lựa chọn là gì?
HS trả lời cá nhân
GV định hướng : Đó là khi cha sắp qua đời đã giối giăng rằng : "Vì cha lấy được thiên hạ" -tức muốn ông tranh đoạt ngai vàng với vua và giành thiên hạ
-GV hỏi : bằng hiểu biết của mình, em hãy giải thích tại sao lại có lời giối giăng đó?
HS giải thích
-GV hỏi : lời trăng trối của cha lúc lâm chung đặt Trần Quốc Tuấn vào tình huống nào?Ông đã giải quyết ra sao?
HS trả lời. GV định hướng:
Đặt ông vào tình huống mâu thuẫn giữa trung và hiếu, nợ nước và tình nhà
Ông "ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải"-tức không làm theo lời cha
Như vậy, ông đã đặt chữ trung lên trên chữ hiếu, nợ nước lên trên tình nhà
-GV hỏi : sự lựa chọn ấy chứng tỏ ông là người như thế nào?Với ông chữ hiếu được hiểu như thế nào?
HS thảo luận nhanh theo hai nhóm và trả lời
GV định hướng : ông là người trung nghĩa
Với Trần Quốc Tuấn thì hiếu với nước với dân mới là đại hiếu. Quan niệm ấy bị chi phối bởi tư tưởng "trung quân ái quốc"
GV dẫn dắt : ông giấu kín tâm sự trong lòng. Chỉ đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều ở mình, ông mới đem lời cha dặn nói với gia nô.
-GV hỏi : câu chuyện giữa Trần Quốc Tuấn với hai gia nô được sử gia kể như thế nào
HS trả lời
-GV hỏi : theo em, tại sao Trần Quốc Tuấn lại đem tâm sự sâu kín của mình kể với hai gia nô?
HS trả lời.
GV nhận xét và chốt lại trên máy
Ông muốn kiểm lại chủ kiến của mình và thử thách thái độ, cách ứng xử của hai gia nô
- GV hỏi : vì sao khi nghe hai gia nô trả lời, Trần Quốc Tuấn lại cảm phục đến khóc
HS trả lời. GV chốt trên máy: vì thấy được tấm lòng trung nghĩa, thẳng thắn của họ, đồng thời cũng thấy được những lời họ nói ra thật đúng với lòng trung quân ái quốc của mình
GV chuyển ý : sau đó, Trần Quốc Tuấn đem lời dặn của cha nói với hai con trai.
-GV hỏi : trong câu chuyện đó, ông đã có thái độ, cách ứng xử như thế nào đối với hai người con trai. Thái độ, cách ứng xử đó nói lên điều gì về nhân cách của ông
HS trả lời cá nhân
GV định hướng : với câu trả lời của Hưng Vũ Vương, ông ngầm cho là phải. Còn với câu trả lời của Hưng Nhượng Vương, ông rút gươm kể tội, định giết, lúc chết không cho gặp mặt
Như vậy, với các con, ông có thái độ rõ ràng, hành động dứt khoát. Thái độ và hành động ấy là cách giáo dục con về lòng trung nghĩa, về đạo làm người-phú quý không sinh phản trắc và cho thấy ông là người trung nghĩa, công bằng, nghiêm khắc
-GV hỏi : em hãy nhận xét về phương thức biểu đạt chủ yếu ở đoạn hai
HS trả lời. GV định hướng : phương thức chính là tự sự. Sử gia đã lựa chọn những câu chuyện tiêu biểu trong cuộc đời của Trần Quốc Tuấn và kể một cách khách quan,chân thực
-GV hỏi : qua ba câu chuyện,nhà viết sử đã làm nổi bật phẩm chất gì của Trần Quốc Tuấn?
HS trả lời
GV chốt trên máy : Qua ba câu chuyện, Ngô Sĩ Liên tập trung làm nổi bật phẩm chất ngời sáng của Trần Quốc Tuấn: Trung nghĩa.
-GV gọi HS đọc đoạn 3 - phần còn lại
-GV hỏi : Cách kể chuyện của tác giả ở đoạn này có gì khác so với đoạn hai?
HS trả lời.
GV định hướng: ở đoạn 3 sử gia đã kết hợp kể chuyện và đan xen những lời bình luận để làm nổi bật công lao và đức độ của Trần Quốc Tuấn
-GV hỏi : đoạn này, nhà viết sử đã kể sự kiện gì về Trần Quốc Tuấn
HS trả lời. GV định hướng : nhà viết sử kể sự kiện Trần Quốc Tuấn qua đời : "Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được phong tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương"
Đây là cách viết mang tính chất biên niên sử "ghi chép sự kiện chính xác theo tiến trình thời gian"
-GV yêu cầu HS tìm những chi tiết nhà viết sử bàn về công lao, đức độ của Trần Quốc Tuấn
HS tìm, gạch chân SGK và trình bày
GV trình chiếu trên màn hình
-GV hỏi : Hiệu quả của những lời nhận xét, đánh giá của sử gia?
HS trả lời. GV định hướng : làm cho lời kể không khô khan, lại có thể định hướng cho người đọc. Hơn nữa, tương ứng với những nhận xét, sử gia đã nêu ra các lời nói, việc làm của nhân vật để chứng minh. Những chi tiết, hành động, sự việc được lựa chọn theo tinh thần "cái quan định luận" (đóng nắp quan tài rồi mới có nhận định chắc chắn)để làm nổi bật nhân cách của nhân vật lịch sử
-GV hỏi : thái độ của người viết sử qua những nhận xét ấy?
HS trả lời. GV định hướng : Thái độ cảm phục, ca ngợi tài năng, đức độ. Nhà viết sử cũng tin vào sự hiển thánh, cứu đời của người anh hùng-một niềm tin trong sáng, thiêng liêng
-GV hỏi : ở đoạn 3, tác giả đã làm nổi bật chân dung nhân vật Trần Quốc Tuấn như thế nào?
HS trả lời. GV chốt trên máy
Trần Quốc Tuấn
- Thiên tài quân sự lỗi lạc
- Đức độ cao cả : Trung quân ái quốc, yêu thương dân, tận tình với tướng sĩ, cẩn thận khiêm nhường.
-GV lưu ý HS chi tiết : “ Sau khi mất rồi các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn dịch bệnh nhiều người cầu đảo ông. Đến nay mỗi khi đất nước có giặc vào cướp đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn” và yêu cầu HS trả lời câu hỏi đã trình chiếu trên màn hình
Chi tiết “ Sau khi mất rồi các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn dịch bệnh nhiều người cầu đảo ông. Đến nay mỗi khi đất nước có giặc vào cướp đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn” chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương, đặc biệt là “tráp đựng kiếm có tiếng kêu” có ý nghĩa?
A. Cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xưa.
B. Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hóa ông cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân giữ nước
C . Chỉ là những truyền thuyết làm nổi bật tấm lòng thương dân và khí phách anh hùng của ông -Những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người
D . ý kiến khác
HS trả lời
GV chuyển ý : một trong những phương diện thành công của đoạn trích là nghệ thuật. Ta cùng tìm hiểu những nét nghệ thuật đặc sắc đó
-GV yêu cầu : Trên cơ sở chuẩn bị câu hỏi 3, 4 trong SGK ở nhà, HS thảo luận theo hai nhóm và cử đại diện trình bày, các nhóm trình bày và nhận xét
GV nhận xét, bổ sung, chiếu phần gợi ý lên trên màn hình
a.Khắc họa chân dung nhân vật
-Đặt nhân vật vào tình huống thử thách
-Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ khác nhau
+ Với vua: trung quân ái quốc.
+ Với dân: thương dân, lo cho dân.
+ Với tướng sĩ : dạy bảo, khích lệ, tiến cử người tài
+ Với con: công bằng, nghiêm khắc trong giáo dục.
+ Với bản thân: gĩư đạo trung và khiêm tốn.
b. Kể chuyện:
-Cách kể chuyện linh hoạt, chi tiết chọn lọc
-Lời kể đan xen những lời bình ngắn gọn mang đậm dấu ấn chủ quan của tác giả
Hoạt động 3: Hướng dẫn tổng kết(3phút)
-GV hỏi :Qua việc đọc- hiểu ở trên ,em nhận xét giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích?
HS nhận xét
-GV yêu cầu HS đọc ghi nhớ SGK
-GV cho HS xem 1số tư liệu và liên hệ: Với công lao to lớn đối với dân tộc, với nhân cách cao đẹp, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành nhân vật thuyền thuyết linh thiêng.Để biểu thị lòng thành kính, nhân dân đã tôn người là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, lấy ngày20-8 là ngày hội Đức Thánh Trần .
Hoạt động 4:GV hướng dẫn HS luyện tập (10 phút) GV phát phiếu bài tập- 3 câu.
Câu 1. Xây dựng chân dung nhân vật lịch sử Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đoạn trích chủ yếu nhấn mạnh mặt nào?
Tài năng siêu việt
Nhân cách vĩ đại
Công lao to lớn
Trí tuệ hơn người
Đáp án :B
Câu 2. Từ những chi tiết trong đoạn trích, em hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn?
Câu 3. Trần Hưng Đạo là bậc danh tướng, từng hai lần đánh thắng giặc Mông- Nguyên, thắng trận Bạch Đằng.Tuy vậy ở đoạn trích này, sử gia không nhắc lại các chiến công đó .Theo em cách viết đó của nhà viết sử có dụng ý gì?
HS trả lời cá nhân câu 1,2 còn câu 3 thảo luận theo 2 nhóm rồi cử đại diện trả lời, các nhóm khác nhận xét.
GV nhận xét,gợi ý trả lời.
Hoạt động 5:GV hướng dẫn đọc thêm ở nhà (2 phút)
Trên cơ sở đọc hiểu bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn HS cần tìm hiểu những câu hỏi sau:
Câu1. Vai trò của Trần Thủ Độ đối với nhà Trần.
Câu 2.Nhân cách của Trần Thủ Độ
a. Đối với người hặc mình:
b. Đối với người lính giữ thềm cấm:
c. Đối với người họ hàng cậy nhờ xin chức tước:
d. Thái độ chống lại thói gia đình trị, kết bè đảng:
Câu 3. Nghệ thuật kể chuyện và khắc hoạ chân dung nhân vật.
I- Tìm hiểu chung
II- Đọc-hiểu văn bản
1. Chân dung nhân vật Trần Quốc Tuấn
a)Lời trình bày kế sách giữ nước
b)Lời cha dặn và câu chuyện với những người thân
*Thái độ và việc làm trước lời di huấn của cha
-"Vì cha lấy được thiên hạ"
--> Đặt ông vào tình huống mâu thuẫn giữa Trung và Hiếu, nợ nước và tình nhà
-Thái độ : "ghi để điều đó trong lòng nhưng không cho là phải -->ông đặt Trung lên trên Hiếu, nợ nước trên tình nhà. Với Trần Quốc Tuấn thì hiếu với nước với dân mới là Đại hiếu.
*Chuyện với Yết Kiêu và Dã Tượng
-Đem lời cha dặn nói với hai gia nô -->muốn kiểm lại chủ kiến của mình và thử thách thái độ, cách ứng xử của hai gia nô
-Thái độ của Trần Quốc Tuấn : "cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người
--> vì thấy được tấm lòng trung nghĩa, thẳng thắn của họ, đồng thời cũng thấy được những lời họ nói ra thật đúng với lòng trung quân ái quốc của mình
*Chuyện với hai con trai
-Với Hưng Vũ Vương : "Ngầm cho là phải"
-Với Hưng Nhượng Vương : rút gươm, kể tội, định giết, chết không cho gặp mặt
-->Trung nghĩa, công bằng, nghiêm khắc
=> Qua ba câu chuyện, Ngô Sĩ Liên tập trung làm nổi bật phẩm chất ngời sáng của Trần Quốc Tuấn: Trung nghĩa.
c)Công lao và đức độ qua lời bàn của sử gia
"Ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy"
-"Thế là dạy đạo trung đó"
-"Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy"
-"Ông lại khéo tiến cử người tài cho đất nước"
-"Bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy
--> Trần Quốc Tuấn
- Thiên tài quân sự lỗi lạc
- Đức độ cao cả : Trung quân ái quốc, yêu thương dân, tận tình với tướng sĩ, cẩn thận khiêm nhường.
2. Nghệ thuật
a) Khắc họa chân dung nhân vật
-Đặt nhân vật vào tình huống thử thách
-Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ khác nhau
b)Kể chuyện
-Cách kể chuyện linh hoạt, chi tiết chọn lọc
-Lời kể đan xen những lời bình ngắn gọn mang đậm dấu ấn chủ quan của tác giả
III- Tổng kết
Ghi nhớ : SGK trang 45
IV. Luyện tập
File đính kèm:
- giao an viet.doc