1. Tên tình huống
Vận dụng kiến thức liên môn giữa môn Địa lý, Văn học và ứng dụng Công nghệ thông tin để học tốt bài học Lịch sử: “Bài 19: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong các thế kỉ X – XV”.
2. Mục tiêu giải quyết tình huống
Việc vận dụng kiến thức liên môn với môn Văn học, Địa lý và ứng dụng Công nghệ thông tin làm cho hiệu quả của bài học Lịch sử nói riêng, môn học Lịch sử nói chung được nâng cao. Giúp cho học sinh học bài với niềm say mê, hứng thú. Đồng thời làm cho các em hình dung được một cách chân thực, sinh động về những cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong lịch sử gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ xa xưa. Qua đó giúp hình thành ở các em thái độ biết ơn, biết quý trọng những con người, những vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước; đồng thời tự hào hơn về truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc một thời.
7 trang |
Chia sẻ: oanhnguyen | Lượt xem: 1336 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vận dụng kiến thức liên môn giữa môn Địa lý, Văn học và ứng dụng Công nghệ thông tin để học tốt bài học Lịch sử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Vận dụng kiến thức liên môn giữa môn Địa lý, Văn học và ứng dụng Công nghệ thông tin để học tốt bài học Lịch sử
(Ngày 25/12/2013 - 08:21:32)
Bài dự thi đạt giải nhì cấp tỉnh VDKT LM dành cho học sinh THPT năm học 2012 - 2013
1. Tên tình huống
Vận dụng kiến thức liên môn giữa môn Địa lý, Văn học và ứng dụng Công nghệ thông tin để học tốt bài học Lịch sử: “Bài 19: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong các thế kỉ X – XV”.
2. Mục tiêu giải quyết tình huống
Việc vận dụng kiến thức liên môn với môn Văn học, Địa lý và ứng dụng Công nghệ thông tin làm cho hiệu quả của bài học Lịch sử nói riêng, môn học Lịch sử nói chung được nâng cao. Giúp cho học sinh học bài với niềm say mê, hứng thú. Đồng thời làm cho các em hình dung được một cách chân thực, sinh động về những cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong lịch sử gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ xa xưa. Qua đó giúp hình thành ở các em thái độ biết ơn, biết quý trọng những con người, những vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước; đồng thời tự hào hơn về truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc một thời.
3. Tổng quan về những nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống
Như chúng ta đã biết, công cuộc đổi mới hiện nay đòi hỏi giáo dục phổ thông phải đào tạo những con người toàn vẹn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi môn học trong nhà trường phổ thông với đặc trưng của mình đều phải góp phần đào tạo thế hệ trẻ. Trong đó, môn học Lịch sử với đặc trưng riêng, phù hợp, có giá trị đặc biệt với việc đào tạo, xây dựng phẩm chất, nhân cách con người. Mặc dù vậy, môn học Lịch sử hiện nay chưa được các bạn học sinh quan tâm đúng mức. Vì Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ rất xa xưa; những gì còn lại ngày nay chỉ là những ghi chép đơn giản, chung chung, thậm chí còn nhiều thiếu sót. Hiện nay, học sinh chỉ được biết đến kiến thức lịch sử thông qua sách báo, vở, bài giảng của giáo viên… Phần nhiều những kiến thức lịch sử đó không được tái hiện một cách sinh động mà rất mờ nhạt, chung chung, khó hiểu. Từ đó học sinh cảm thấy chưa có hứng thú với môn học; tạo ra tâm lý suy nghĩ cho học sinh: “Quá khứ là những gì đã xảy ra, chẳng cần nhớ lại mà quên đi để tiến đến tương lai phía trước”. Nhưng Khổng Tử đã từng nói “Ôn cố nhi tri tân”, biết được Lịch sử ta sẽ có cách nhìn nhận, hiểu về hiện tại và tương lai một cách đúng đắn. Lịch sử tái hiện lại những trang sưt hào hùng của dân tộc, về cuộc đấu tranh anh dũng, về công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ ngàn xưa. Vậy nên, Lịch sử cần phải được tiếp nhận một cách đúng đắn, được lưu giữ và phải được “nhớ”. Nhớ để học hỏi, để biết ơn những anh hùng có công dựng nước và giữ nước.
Trước thực trạng môn Lịch sử chưa được học có hiệu quả, những năm gần đây, bộ giáo dục cùng tất cả các đơn vị giáo dục khác đã tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả và chất lượng học môn Lịch sử. Nhiều giải pháp được đưa ra, ban đầu đã có kết quả đáng mừng. Trong đó phải kể đến biện pháp “Sử dụng giáo dục tích hợp liên môn để học tốt môn Lịch sử”. Bài viết này, người viết nêu một ví dụ về sử dụng kiến thức liên môn với Văn học, Địa lý và Ứng dụng CNTT trong việc học bài 19: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong các thế kỉ X – XV (chương trình LS 10 – cơ bản).
Việc ứng dụng CNTT được thể hiện qua việc sử dụng nguồn tài liệu trên các trang web, chủ yếu là trang wikipedia, với các thuật ngữ khó hiểu: như “tiên phát chế nhân”, “vườn không nhà trống”, … các hình ảnh về các trận đánh trong bài học.
Kiến thức Địa lý được vận dụng để xác định lược đồ, bản đồ về các trận quyết chiến chiến lược, hướng tiến công của ta/ của địch…
Ngoài ra, kiến thức Văn học sẽ hỗ trợ ta tìm hiểu rõ tinh thần yêu nước của nhân dân ta cùng với chiến lược đánh giặc của các vị tướng. Ví dụ như phần cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, Lý Thường Kiệt đã sử dụng chiến thuật chiến tranh tâm lý, đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” để khích lệ quân ta đánh giặc và làm nao núng tinh thần quân giặc. Hoặc trong kháng chiến chống Mông – Nguyên, bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của tướng sĩ và quân dân Đại Việt ta đương thời.
4. Biện pháp giải quyết:
- Ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu thêm về các trận đánh trong lịch sử giai đoạn này
- Vận dụng kiến thức liên môn với môn Văn học và Địa lý để hiểu sâu sắc và cụ thể, chân thực, sinh động hơn về nội dung bài học.
5. Thuyết minh quá trình giải quyết tình huống:
Trải qua hơn năm thế kỉ vươn lên xây dựng đất nước, nhân dân ta còn phải tiến hành hàng loạt các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Sự nghiệp giữ nước vĩ đại đó không chỉ làm nên những trang sử hào hùng cảu dân tộc mà còn góp phần to lớn phát huy truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc Việt Nam. Đầu thế kỉ X, nhân dân Việt Nam đã giành được quyền tự chủ, lật đổ hoàn toàn chế độ đô hộ một nghìn năm của phong kiến phương Bắc. Nhưng chẳng bao lâu sau chiến thắng Bạch Đằng, nhân dân ta phải đương đầu với hai cuộc xâm lược của nhà Tống.
Đầu tiên là ở thời Tiền Lê vào năm 981. Năm 980, được tin vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị ám hại, vua mới lên thay còn nhỏ tuổi, nước Đại Cồ Việt gặp nhiều khó khăn, nhà Tống chớp ngay cơ hội này kéo sang xâm lược nước ta. Biết được âm mưu của nhà Tống, thập đạo tướng quân Lê Hoàn lập tức được Thái hậu Dương Vân Nga và quần thần nhà Đinh tôn lên làm vua để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Năm 981, quân Tống chia hai đường thủy bộ kéo sang nước ta. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Lê Hoàn, quân ta đã đánh tan quân Tống ngay trên vùng Đông Bắc của tổ quốc. Cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Để hiểu hơn kiến thức ở nội dung này, ta sử dụng kiến thức liên môn để có thể hình dung rõ hơn các trận đánh và ý nghĩa của cuộc kháng chiến.
Sử dụng bản đồ Địa lý với nguồn tài liệu từ mạng Internet để hình dung được rõ hơn về các trận đánh quyết định ở vùng Đông Bắc. Cụ thể là chiến thắng Chi Lăng (ở Lạng Sơn) và đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng, chỉ rõ địa hình và vị trí chiến lược của con sông này. Tiếp đó, bằng kiến thức liên môn Văn học, với việc tìm hiểu tác phẩm “Đại Việt sử kí toàn thư”, chúng ta có thể hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc kháng chiến này: “Năm 1005, khi Lê Hoàn mất, một số đại thần nhà Tống xin vua Tống sai quân sang đánh nước ta một lần nữa, vua Tống đã trả lời: “Họ Lê thường vẫn sai con vào chầu, không thiếu trung thuận, nay nghe tin mới chết, chưa có lời thăm viếng đã vội đem quân sang đánh, như vậy không đáng là bậc vương giả”. Như vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê đã làm cho nhà Tống phải nể phục, cho thấy được tinh thần độc lập, tự chủ, yêu hòa bình, đạo lý hòa hiếu, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược dù trong hoàn cảnh khó khăn cũng không có gì có thể thay đổi được.
Gần một thế kỉ sau đó, chúng ta lại tiếp tục phải đối mặt với nhà Tống lần nữa dưới vương triều Lý. Lần này, nhà Tống đang trên đà suy yếu, gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng nên đã đem quân xâm lược nước ta với mong muốn: “Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu Hạ sẽ phải kiềng nể”. May mắn thay, lúc này nước Đại Việt dưới thời Lý đang trên đà phát triển vươn lên xây dựng đất nước. Tin quân Tống chuẩn bị xâm lược nước ta được báo về, Lý Thường Kiệt cùng triều thần nhà Lý và Ỷ Lan phu nhân đã hội bàn và nhất trí với kế sách “tiên phát chế nhân” với chủ trương “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Để hiểu về thuật ngữ “Tiên phát chế nhân” có thể sử dụng tài liệu Internet để tra thuật ngữ để hiểu đúng bản chất của kế sách này. Năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy quân đánh sang đất Tống vào các thành Ung Châu, Liêm Châu và Khâm Châu rồi rút quân về nước lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Năm 1077, 30 vạn quân Tống tràn sang nước ta đã bị đánh tan trên trận tuyến sông Như Nguyệt. Học đến đây có thể sử dụng thêm bản đồ để hình dung được địa hình và vị trí của sông Như Nguyệt (tức sông Cầu thuộc Bắc Ninh).
Ngoài ra còn có thể sử dụng tìm hiểu bài thơ thần mà Lý Thường Kiệt cho người đọc bên đền Trương Hống, Trương Hát với tư cách là nghệ thuật chiến tranh tâm lý của Lý Thường Kiệt:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Dịch là:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Bài thơ như một lời hiệu triệu, nức lòng toàn quân, toàn dân, khiến cho tinh thần, ý chí quyết tâm của quân dân ta ngày càng tăng. Đồng thời cũng là lời cảnh cáo đanh thép với kẻ thù về những hành động sai trái của chúng, khiến kẻ thù khiếp vía.
Bước vào thế kỉ XIII, quân dân nhà Trần tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã lại phải đối mặt với ba lần quân Mông – Nguyên sang xâm lược trong suốt ba mươi năm. Dưới sự chỉ đạo tài tình sáng suốt của các vua Trần và nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn, quân dân Đại Việt đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng, vang dội. Trong lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thứ hai, Trần Hưng Đạo đã viết “Hịch tướng sĩ” để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc của binh sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù…”. Bài hịch đã tác động sâu sắc tới tư tưởng, tinh thần và ý chí của binh sĩ. Một nét nổi bật trong chiến thuật chiến lược của nhà Trần trong cả ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên đó chính là kế sách “vườn không nhà trống”. Để hiểu về thuật ngữ này, ta có thể ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để tra cứu thuật ngữ để hiểu hơn về bản chất cũng như ý nghĩa, kết quả của kế sách này: khi giặc tiến vào kinh thành thì triều đình và nhân dân đã bỏ kinh thành chạy sang các vùng khác khiến giặc trong thành thiếu thốn lương thực rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, quân ta từ bên ngoài đánh úp, giặc rơi vào đường cùng.
Trong cả ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên, chiến thắng Bạch Đằng là chiến thắng vang dội, có tính chất quyết định.
Ngoài sử dụng kiến thức bản đồ Địa lý, chúng ta cũng có thể thấy được vài nét sinh động về chiến thắng này qua tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu:
“Bạch Đằng nhất trận hỏa công
Tặc binh đại phá, máu hồng đỏ sông”
Hai câu thơ đã phần nào cho thấy sự oanh liệt, vang dội của chiến thắng Bạch Đằng, chỉ cần một trận hỏa công cũng làm cho quân giặc tan tác, máu hồng đỏ sông.
Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly cướp ngôi và lập ra nhà Hồ năm 1400. Nhà Hồ không được lòng dân nên đã để nước ta rowivafo tay giặc Minh. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trong thời thuộc Minh nhưng đều thất bại, duy chỉ có cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo đã giành được thắng lợi cuối cùng. Để hiểu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và diễn biến của nó, chúng ta có thể sử dụng lược đồ (hình ảnh trên mạng Internet) đồng thời qua tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
Xuất phát từ niềm tự hào:
“Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Câu thơ thể hiện rõ niềm tự hào dân tộc: đất nước ta cũng ngang hàng với phương Bắc, cũng có nền độc lập, chủ quyền, có truyền thống, bản sắc văn hóa như vậy. Về nguyên nhân trực tiếp dẫn tới khởi nghĩa Lam Sơn, trong “Bình Ngô đại cáo” đã viết:
“Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
…”
Những câu thơ này đã vạch trần bộ mặt tàn bạo, hung ngược của giặc Minh. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện rõ diễn biến tiến trình của cuộc khởi nghĩa từ buổi đầu đầy khó khăn:
“Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần
Khi Khôi Huyện quân không một đội”
Cho đến chiến thắng được coi là bước ngoặt của cuộc khởi nghĩa Tốt Động, Chúc Động cũng được mô tả rất rõ:
“Chúc Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.
Đặc biệt chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang được coi là chiến thắng quyết định của cuộc khởi nghĩa:
“ Ngày mười tám trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu”
Và cuối cùng, giặc rơi vào thế cùng quẫn, nghĩa quân ta đã “mở đức hiếu sinh”, cấp ngựa, thuyền cho chúng về nước:
“Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đức hiếu sinh
Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền , ra đến bể mà hồn bay phách lạc…”
Những câu thơ đã thể hiện rõ tấm lòng nhân đạo của quân ta “mở đường hiếu sinh” cho giặc. Việc làm đó vừa khiến cho giặc nể phục, coi trọng ta mà cũng không dám sang xâm lược nước ta nữa. Mùa xuân năm 1428, khởi nghĩa thắng lợi, Nguyễn Trãi viết “Cáo bình Ngô” khẳng định:
“Xã tắc từ đây bền vững
Giang sơn từ đây đổi mới”
Có thể thấy rằng rõ ràng những kiến thức môn Văn học, Địa lý và việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp ta có thể hình dung một cách sống động, chân thực về tất cả các cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Điều này sẽ giúp môn Lịch sử sẽ hứng thú hơn, lôi cuốn hơn… và hiệu quả học tập môn học sẽ được nâng cao.
6. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống
Với việc kết hợp kiến thức liên môn sẽ làm cho bài học lịch sử sống động hơn, cụ thể và chân thực hơn, giúp gia tăng sự hứng thú với môn học Lịch sử. Đồng thời cũng từ đó giúp chúng ta thêm ý thức và tự hào về truyền thống của dân tộc, tự hào về những trang sử vẻ vang hào hùng của cha ông trong quá khứ. Qua đó cũng ý thức hơn về việc vận dụng một cách linh hoạt kiến thức các môn học khác nhau để giải quyết những tình huống được đặt ra trong học tập cũng như trong cuộc sống.
File đính kèm:
- Vận dụng kiến thức liên môn giữa môn Địa lý.doc