Câu 1: (2,0 điểm)
Viết đoạn văn phân tích cái hay cái đẹp của ba dòng thơ sau:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”
(“Bếp lửa” – Bằng Việt)
Câu 2: (2,0 điểm)
a/ Theo em, tính triết lý và chiều sâu suy ngẫm của bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) được thể hiện rõ nhất trong khổ thơ nào của bài? Hãy chép lại theo trí nhớ khổ thơ đó.
b/ Viết một đoạn văn ngắn để lí giải lí do vì sao em cho rằng khổ thơ mình chọn là thể hiện rõ nhất tính triết lý và chiều sâu suy ngẫm của bài thơ “Ánh trăng”!
Câu 3: (6,0 điểm).
" Văn học trung đại nước ta, sau những vấn đề đấu tranh xã hội, còn thường đề cập đến vấn đề đạo đức gia đình, đặc biệt là luôn đề cao những tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ.”
Qua một số tác phẩm văn học trung đại mà em đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 9, hãy làm sáng tỏ nội dung: “Văn học trung đại nước ta luôn đề cao những tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ”.
Theo em, trong thời đại ngày nay, vấn đề đạo đức gia đình có còn quan trọng không? Vì sao?
4 trang |
Chia sẻ: oanhnguyen | Lượt xem: 1515 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm học: 2010 – 2011, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD&ĐT
Huyện Văn Lâm
Kì thi chọn học sinh giỏi cấp huyện
Năm học: 2010 – 2011
Môn: Ngữ văn - Lớp 9
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
--------ư--------
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết đoạn văn phân tích cái hay cái đẹp của ba dòng thơ sau:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa...”
(“Bếp lửa” – Bằng Việt)
Câu 2: (2,0 điểm)
a/ Theo em, tính triết lý và chiều sâu suy ngẫm của bài thơ “ánh trăng” (Nguyễn Duy) được thể hiện rõ nhất trong khổ thơ nào của bài? Hãy chép lại theo trí nhớ khổ thơ đó.
b/ Viết một đoạn văn ngắn để lí giải lí do vì sao em cho rằng khổ thơ mình chọn là thể hiện rõ nhất tính triết lý và chiều sâu suy ngẫm của bài thơ “ánh trăng”!
Câu 3: (6,0 điểm).
" Văn học trung đại nước ta, sau những vấn đề đấu tranh xã hội, còn thường đề cập đến vấn đề đạo đức gia đình, đặc biệt là luôn đề cao những tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ.”
Qua một số tác phẩm văn học trung đại mà em đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 9, hãy làm sáng tỏ nội dung: “Văn học trung đại nước ta luôn đề cao những tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ”.
Theo em, trong thời đại ngày nay, vấn đề đạo đức gia đình có còn quan trọng không? Vì sao?
***********************************
Phòng GD&ĐT
Huyện Văn Lâm
Đáp án và biểu điểm chấm
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện
Năm học: 2010 - 2011
Môn: Ngữ văn - Lớp 9
--------ư--------
Câu 1: (2,0 điểm).
1. Về hình thức: Đoạn văn phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt lưu loát; văn viết có cảm xúc.
2. Về nội dung: Phân tích cái hay, cái đẹp về nội dung và nghệ thuật diễn đạt của ba dòng thơ
Học sinh có thể có nhiều cách viết, cách cảm nhận khác nhau, song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
a/ Về nội dung:
Làm rõ cảm xúc chung về bà và bếp lửa: thân thương ấm áp, gần gũi, tảo tần lam lũ, đầy lo toan vất vả à 0,75 điểm
b/ Về nghệ thuật:
- Sử dụng từ láy đặc sắc:
+ Từ láy tượng hình “chờn vờn”: vừa gợi hình ảnh một bếp lửa với ngọn lửa bốc cao, tỏa sáng, ẩn hiện, khi mờ khi tỏ giữa làn sương sớm; vừa gợi cái mờ nhòa của hình ảnh kí ức theo thời gian à 0,25 điểm
+ Từ láy gợi cảm “ấp iu” : gợi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa à 0,25 điểm
- Điệp ngữ “Một bếp lửa” đi liền với các từ láy “chờn vờn”, “ấp iu” vừa có tác dụng nhấn mạnh, khắc sâu, vừa gợi cảm giác ấm áp với tình cảm thân thương chứa chan. à 0,2 điểm
- Hình ảnh gợi cảm:
+ “bếp lửa chờn vờn sương sớm” là ngọn lửa thực trong lòng bếp lửa bập bùng nhen lên mỗi sớm mai à 0,1 điểm
+ “bếp lửa ấp iu nồng đượm” không chỉ là ngọn lửa thực mà nó đã là ngọn lửa của tình bà cưu mang, chăm sóc à 0,1 điểm
- Cách nói ẩn dụ “biết mấy nắng mưa”: chỉ những khó khăn gian khổ, vất vả lo toan mà bà phải chịu đựng. Từ đó, thể hiện tấm lòng của cháu đối với bà: thương bà lam lũ tảo tần, vất vả. à 0,35 điểm
Câu 2: (2,0 điểm).
a/ - Trả lời được: Tính triết lý và chiều sâu suy ngẫm trong bài thơ “ánh trăng” được thể hiện rõ nhất trong khổ thơ cuối cùng của bài. à 0,3 điểm
- Chép lại chính xác theo trí nhớ khổ thơ cuối của bài “ánh trăng”
à 0,4 điểm
b/ Viết đoạn văn
- Về hình thức: Đoạn văn phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt lưu loát; văn viết có cảm xúc.
- Về nội dung: Cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
+ “Trăng cứ tròn vành vạnh”: sự trong sáng, tròn đầy, thủy chung, tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ. à 0,25 điểm
+ “Trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình”: là biểu tượng của sự bao dung, là nghĩa tình thủy chung trọn vẹn, trong sáng, vô tư mà không đòi hỏi sự đền đáp - đó chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta nói chung và của con người (người dân) thời chống chống Mỹ nói riêng à 0,25 điểm
+ “ánh trăng im phăng phắc”: sự im lặng nghiêm khắc mà nhân hậu, bao dung à 0,25 điểm
+ “đủ cho ta giật mình”: “giật mình” vì trăng đầy đặn nghĩa tình mà con người lại có lúc quên trăng; “giật mình” vì trăng bao dung, nhân hậu mà con người lại là kẻ vô tình; “giật mình” vì con người đã có lúc lãng quên bạn bè, lãng quên quá khứ, lãng quên chính mình,... à 0,25 điểm
à Khổ thơ cuối nói riêng và cả bài nói chung đã nhắc nhở mọi người không được phép lãng quên quá khứ, cần phải sống có trách nhiệm với quá khứ, thủy chung với quá khứ, coi quá khứ là điểm tựa cho hiện tại... Thủy chung với vầng trăng cũng chính là thủy chung với quá khứ của mỗi con người. à 0,3 điểm
Câu 3: (6,0 điểm).
A. Yêu cầu:
a. Kỹ năng:
- Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Biết cách xây dựng và trình bày hệ thống luận điểm, lập luận chặt chẽ; đưa dẫn chứng và phân tích các dẫn chứng một cách chọn lọc, hợp lí.
- Bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, mạch lạc.
- Không mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp,...
b. Nội dung:
1. Phân tích, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề: Văn học cổ nước ta luôn đề cao những tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ.
Học sinh có thể có một số cách đưa dẫn chứng và phân tích khác nhau, nhưng trong quá chứng minh, bài làm cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
Văn học cổ là tấm gương trung thực phản ánh những cuộc đấu tranh của dân tộc chống xâm lược, những cuộc đấu tranh xã hội chống áp bức bất công. Nhưng bên cạnh đó, văn học trung đại còn đề cập tới vấn đề đạo đức gia đình. Không ít tác phẩm trung đại đã nêu cao những hình ảnh cảm động, những tình cảm đẹp đẽ về mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, giữa vợ với chồng và anh chị em với nhau. Trong đó có rất nhiều tấm gương hiếu thảo làm cảm động lòng người:
- Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) đã thay chồng vắng nhà hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, chăm sóc thuốc thang chu đáo khi mẹ chồng lâm bệnh, rồi lo liệu ma chay chu đáo cho mẹ chồng khi bà qua đời như đối với cha mẹ đẻ mình
- Nàng Thúy Kiều (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du):
+ Trong cơn gia biến, nàng đã phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu quyết định bán mình cứu cha và gia đình khỏi cơn nguy biến
+ Trong suốt thời gian lưu lạc, chìm nổi, khổ đau, nàng vẫn không lúc nào nguôi quên cha mẹ, bao lần xót xa, thương cha già già mẹ yếu nơi góc bể chân trời
- Lục Vân Tiên (“Truyện Lục Vân Tiên” – Nguyễn Đình Chiểu) là hiện thân của nhân nghĩa nói chung, đạo hiếu nói riêng
Ra kinh đô, sắp vào trường thi, nhận được tin mẹ mất, chàng liền bỏ thi về chịu tang. Vân tiên khóc thương mẹ thành lâm bệnh, trên đường về mù cả hai mắt
- Kiều Nguyệt Nga vì lòng lòng hiếu thảo mà thân gái dặm trường, vượt ngàn dặm xa về “lo bề nghi gia” theo lời cha dạy.
2. Vấn đề đạo đức gia đình trong thời đại ngày nay:
Học sinh cần làm rõ được trong bài viết của mình: Trong thời đại ngày nay, vấn đề đạo đức gia đình vẫn vô cùng quan trọng đồng thời lí giải được vai trò, tầm quan trọng của đạo đức gia đình cũng như tấm lòng hiếu thảo của con người trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội:
- Đạo đức gia đình, đặc biệt là tấm lòng hiếu thảo giúp con người sống tốt hơn, đẹp hơn, có nhân nghĩa ân tình
- Đạo đức gia đình vẫn là thước đo nhân cách
- Nó còn là nấc thang của mỗi người để tiến tới tấm lòng trung hiếu, thể hiện lẽ sống hết mình vì nước vì dân.
- Không thể có kẻ bất hiếu, sống tồi tệ trong một gia đình mà lại có thể trở thành công dân tốt, trung với nước hiếu với dân được...
c. Phạm vi tư liệu dẫn chứng:
- Một số tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn lớp 9 đã học và đọc thêm: “Chuyện người con gái Nam Xương„ (Nguyễn Dữ), “Truyện Kiều„ (Nguyễn Du), “Truyện Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu)
- Kiến thức thực tế
B. Tiêu chuẩn cho điểm:
+ Đáp ứng những yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót nhỏ. à (4,5 - 5,5 điểm).
+ Đáp ứng cơ bản những yêu cầu trên. Biết cách phân tích, chứng minh và giải thích. Bố cục rõ ràng; diễn đạt tương đối lưu loát. Còn mắc một số lỗi về chính tả hoặc diễn đạt. à (3,25 - 4,25 điểm).
+ Hiểu đề, biết cách chứng minh. Hệ thống dẫn chứng chưa phong phú; phân tích dẫn chứng chưa thật sự sâu sắc. à (2,0 - 3,0 điểm).
+ Xây dựng hệ thống luận điểm để chứng minh thiếu mạch lạc, nghị luận sơ sài. Còn lúng túng trong cách diễn đạt. à (0,75 - 1,75 điểm).
+ Sai lạc cơ bản về nội dung/ phương pháp. à (0,5 điểm).
* Trình bày sạch, chữ viết đẹp cộng thêm 0,5 điểm.
*********************************
File đính kèm:
- de thi HSG van9.doc