A – MỤC TIÊU CẦN ĐẠT
Giúp HS:
– Hiểu và cảm nhận được nỗi niềm bi phẫn của người cung nữ thời xưa.
– Thấy được nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, trong việc thể hiện tình cảm của nhân vật.
B – PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC
SGK, GV, BT
C- TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
11 trang |
Chia sẻ: quynhsim | Lượt xem: 1720 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Ngữ văn 10 - Tiết 106 - 107: Đọc văn :nỗi sầu oán của người cung nữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn 15/03/08 Đọc văn :Nỗi sầu oán của người cung nữ
Tiết 106, 107 (Trích Cung oán ngâm - Nguyễn Gia Thiều)
(2 tiết)
A – Mục tiêu cần đạt
Giúp HS:
– Hiểu và cảm nhận được nỗi niềm bi phẫn của người cung nữ thời xưa.
– Thấy được nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, trong việc thể hiện tình cảm của nhân vật.
B – Phương tiện dạy học
SGK, GV, BT
c- Tiến trình dạy học
I –Tổ chức lớp
Ngày dạy
Lớp
Sĩ số
HSV
Kiểmt ra
II- Kiểm tra bài cũ
Đọc đoạn văn sau và chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi tiếp theo:
"Trong thể loại này, thể thơ song thất lục bát với câu song thất vần trắc xen với câu lục bát vần bằng. Ngoài vần chân giữa câu lục và câu thất trước còn có vần lưng ở câu thứ hai và câu bát làm cho âm điệu xoắn xuýt, rất thích hợp với tình cảm ai oán, xót thương của thể loại ngâm khúc".
1. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn trên là gì?
a) Thuyết minh
b) Tự sự
c) Biểu cảm
d) Lập luận.
2. Đoạn văn trên thuộc loại văn bản nào?
a) Văn bản chính luận
b) Văn bản khoa học
c) Văn bản nghệ thuật
d) Văn bản hành chính.
3. Nếu được chon câu thơ cực tả tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, em chon câu thơ nào? Vì sao?
III – Bài mới
Lời vào bài: Chế độ cung nữ là sản phẩm tội ác của vua chúa hàng nghìn năm dưới thời phong kiến. Vua chúa tự đặt ra quyền được tuyển cung nữ. Người trúng tuyển phải ở tiêu phòng đến già, đoạn tuyệt với gia đình và mọi sinh hoạt xã hội bên ngoài. Đời sống thê thảm của người cung nữ đã động lòng đến nhiều người cầm bút. Có nhiều tác giả viết về cuộc sống ấy như Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huy Lượng (Cung oán thi), Vũ Trinh (Cung oán thi tập),... nhưng không có tác phẩm nào có tiếng nói sâu sắc mạnh mẽ như Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều. Nỗi sầu oán của người cung nữ là một trích đoạn tiêu biểu trong Cung oán ngâm.
Hoạt động
của GV
Hoạt động
của HS
Yêu cầu cần đạt
Kiểm tra tri thức đọc - hiểu của HS
- Trình bày vắn tắt những hiểu biết của em về tác giả.
- Yếu tố nào ảnh hưởng đến sáng tác của Nguyễn Gia Thiều?
- Giải thích nhan đề tác phẩm.
- Tóm tắt giá trị của Cung oán ngâm.
Hướng dẫn HS đọc, tìm hiểu vị trí đoạn trích, giải nghĩa từ
Mỗi nhóm tìm hai từ cho nhóm bạn giải thích và ngược lại.
Hướng dẫn tìm hiểu cấu trúc
- Thuật lại diễn biến tâm trạng của người cung nữ.
- Căn cứ vào diễn biến tâm trạng của người cung nữ, em hãy xác định cấu trúc cho đoạn trích.
Hướng dẫn HS đọc - hiểu nội dung và nghệ thuật
+ Nhóm 1
- Tìm yếu tố nghệ thuật biểu hiện thời gian, không gian. Tại sao tác giả chọn thời gian, không gian ấy?
- Trong khung cảnh đó nhân vật trữ tình xuất hiện như thế nào? Tìm từ ngữ, hình ảnh biểu đạt nỗi niềm của người cung nữ.
- Khoảnh, chúa xuân nghĩa là gì?
- ý nghĩa câu thơ "Chơi hoa cho rữa nhuỵ dần lại thôi"?
- Trong khổ 2, tác giả dùng những từ ngữ, hình ảnh nào để làm nổi bật cuộc sống tồi tàn, lạnh lẽo của người cung nữ?
+ Nhóm 3, 4
- Bị bỏ rơi, người cung nữ sống như thế nào? Tìm từ ngữ, hình ảnh biểu đạt tâm trạng ấy.
- Ngâm khúc thường sử dụng tiểu đối. Hãy chỉ ra sự tương phản trong hai câu thất và nêu hiệu quả nghệ thuật?.
- So sánh sự khác biệt giữa hai khổ thơ 3 và 4.
- Tóm tắt những nội dung và nghệ thuật của 4 khổ thơ?
- Có thể đặt tiêu đề cho bốn khổ thơ trên như thế nào?
HS trả lời câu hỏi theo hướng dẫn
1. Trình bày.
2. Trình bày ý kiến.
3. Giải thích.
4. Tóm tắt.
HS xác định vị trí đoạn trích
HS giải thích từ theo nhóm.
HS xác định cấu trúc, đặt tiêu đề
HS hoạt động nhóm.
+ Nhóm 1: trả lời câu hỏi theo hướng dẫn
1. Tìm, phân tích, lí giải
2. Tìm từ ngữ, phân tích.
3. Giải nghĩa
4. Phân tích.
5. Phân tích.
+ Nhóm 3, 4: tìm hiểu khổ 3, 4
1. Phân tích.
2. Phân tích.
3.So sánh.
4. Tóm tắt.
5. Đặt tiêu đề.
A – Giới thiệu chung
I – Tác giả
- Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798), hiệu là Hi Tôn, còn gọi là Ôn Như Hầu.
- Quê: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành - Bắc Ninh).
- Xuất thân trong gia đình quyền quý.
- Bản thân: từ nhỏ đến 19 tuổi sống trong cung. Lúc trưởng thành làm quan trong Vương phủ – yếu tố ảnh hưởng đến sáng tác.
- Tác phẩm:
+ Thơ chữ Hán: Ôn Như thi tập
+ Thơ Nôm: Tây Hồ thi tập, Tứ trai tập, Cung oán ngâm.
II – Tác phẩm
Cung oán ngâm gồm 365 câu song thất lục bát.
- Nhan đề: Khúc oán ca của người cung nữ.
- Giá trị tác phẩm:
+ Tiếng nói xót thương cho thân phận người cung nữ, thái độ oán trách nhà vua.
+ Quan niệm của tác giả về cuộc đời bạc bẽo, phù du.
+ Ngôn ngữ tài hoa, đài các, nhiều điển cố, nghệ thuật biểu đạt già dặn.
B – Tìm hiểu đoạn trích
I – Vị trí
- Trích từ câu 209 - 244
- Nội dung: nỗi sầu oán của người cung nữ.
II – Đọc - giải nghĩa từ
- Giấc mai: giấc ngủ nói chung.
- Hồn bướm: mơ màng như trong mộng.
- Dấu dương xa: xe do dê kéo,...
III – Đọc - hiểu cấu trúc
2 đoạn
1. Đoạn 1 (Từ câu1 đến câu 16)
2. Đoạn 2 (Từ câu 17 đến hết)
IV – Đọc - hiểu nội dung và nghệ thuật
1. Đoạn 1
a) Hai khổ 1, 2
- Thời gian, không gian nghệ thuật:
+ Không gian : trong cung quế - nơi người cung nữ ở. Nơi đó vốn tĩnh mịch, đêm khuya càng vắng vẻ, yên ắng hơn.
+ Thời gian: đêm năm canh. Đây cũng là một khoảng thời gian phù hợp để nhân vật trữ tình xuất hiện và bộc bạch nỗi niềm.
- Nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Lời thơ diễn tả tâm trạng:
+ Lẻ loi: chiếc bóng âm thầm. Cách đảo ngữ: "Âm thầm chiếc bóng" diễn tả tình cảnh lẻ loi, buồn tẻ của người cung nữ.
+ Chờ đợi: "Trông ngóng lần lần". Trông nghĩa là chờ đợi nhưng là chờ đợi một cái gì đó xa vời, biết là xa vời mà vẫn chờ vẫn đợi. Hai chữ "lần lần" cụ thể hoá hơn sự chờ đợi ngóng trông hết đêm này đến đêm khác.
+ Oán trách nhà vua: khoảnh (chơi khăm, ác); chúa xuân (hình ảnh ẩn dụ, chỉ nhà vua); "Chơi hoa cho rữa nhuỵ dần lại thôi": sử dụng từ ngữ biểu cảm, hình ảnh ẩn dụ nhằm gợi bộ mặt tàn bạo, tráo trở của nhà vua.
Lời thơ là lời đay nghiến, trách cứ có cái gì đó xót xa trong tâm trạng nhân vật trữ tình: lúc còn xuân sắc được vua yêu chiều, giờ nhan sắc tàn phai vua lại bỏ rơi (tình cảnh thê thảm).
+ Cuộc sống lạnh lẽo, tồi tàn:
Tác giả dùng nhiều từ Hán Việt: lầu đãi nguyệt, dạ vũ, gác thừa lương, thu phong, phòng tiêu: những từ ngữ có tính ước lệ, tượng trưng cho cuộc sống xa hoa nơi cung cấm.
Từ nôm na: đứng ngồi, thức ngủ,...
Hình ảnh so sánh "Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng".
Từ giàu giá trị biểu cảm: "Gương loan bẻ nửa dải đồng xé đôi".
-> Cuộc sống xa hoa nơi cung cấm hoàn toàn đối lập với cuộc sống tồi tàn lạnh lẽo của người cung nữ.
b) Khổ 3, 4
- Cuộc sống buồn tủi cô đơn:
+ Miêu tả trực tiếp tâm trạng: ủ dột, bâng khuâng, vẩn vơ – Buồn bã ủ ê.
+ Dùng điển cố: giấc mai, hồn bướm – cụ thể hoá trạng thái vơ vẩn, mơ màng.
+ Sử dụng hình ảnh, hình thức tiểu đối:
So sánh gợi cảm "Vắng ngắt" (sự trống vắng lạnh lẽo đến ghê người) – hình ảnh ước lệ tượng trưng: "ngấn phượng liễn", "dấu dương xa" (gợi sự đầm ấm).
Hình ảnh thực: "rêu lỗ chỗ", "cỏ quanh co" (thực tế phũ phàng đối lập với cảnh đầm ấm. Sự đầm ấm giờ chỉ còn trong quá vãng) – hình ảnh ước lệ đan xen hình ảnh thực: "Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông" (Gối hạnh phúc mà có cảnh tuyết đóng. Chăn đắp cho ấm mà vẫn "giá đông". Cái lạnh lẽo buốt giá ấy không phải từ bên ngoài mà từ tâm trạng cô đơn, sầu tủi).
- Sự khác biệt giữa hai khổ thơ 3, 4: không dùng các từ miêu tả tâm trạng mà vẫn đầy ắp tâm trạng (tả cảnh ngụ tình).
* Tiểu kết
Bằng cách sử dụng các hình ảnh gợi cảm, cách đặt các từ Hán Việt bên cạnh các từ nôm na, những hình ảnh ước lệ, tác giả đã diễn tả sâu sắc cuộc sống tủi cực, tồi tàn và lời oán trách gay gắt của người cung nữ bị bỏ rơi nơi cung cấm.
- Tiêu đề: Cuộc sống thê thảm và nỗi oán sầu của người cung nữ bị vua bỏ rơi.
Tiết 2
Hoạt động
của GV
Hoạt động
của HS
Yêu cầu cần đạt
Hướng dẫn HS tìm hiểu cấu trúc đoạn 2
Hãy sắp xếp những khổ thơ cùng đề tài vào một ý?
Hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ
+ Nhóm 1
- Mỗi khổ thơ có sắc thái biểu cảm khác nhau, em hãy chỉ ra sự khác nhau đó.
- Yếu tố nghệ thuật nào có tác dụng tạo nên sắc thái biểu cảm khác nhau? Thử cảm nhận về yếu tố nghệ thuật được lựa chọn?
- Em hãy chỉ ra sự phù hợp của yếu tố thời gian trong việc biểu hiện tâm trạng.
- Lạnh lùng, cô miên, tịch mịch, thâm u nghĩa là gì? Có tác dụng xác nhận thực tại nào?
- Để thoát ra khỏi cảm giác cô đơn, người cung nữ đã làm gì? Nỗi buồn, nối cô đơn đó có giải được không?
- Em có nhận xét gì về cách sắp xếp trật tự từ trong 2 câu thất? Tác dụng?
+ Nhóm 2
- Khi rơi vào tình trạng bế tắc người ta dễ nảy sinh tâm trạng chán chường. Em hãy tìm những từ ngữ diễn tả tâm trạng đó trong khổ thơ thứ 6. Tranh đẹp, trăng trong, lầu vàng có ý nghĩa với nàng không? Tại sao?
- Tưởng được buông tha thế nhưng nỗi buồn cứ bám riết. Em hãy tìm những từ diễn tả trạng thái tâm lí này.
- Từ sự băn khoăn đó, người cung nữ lo sợ điều gì?
- Những hình ảnh nào cực tả cuộc đời thê thảm của người cung nữ?
- Có thể đặt tiêu đề cho ý 1 như thế nào?
+ Nhóm 3
- Nội dung chính của hai khổ thơ là gì? Hãy chỉ ra sắc thái biểu cảm khác nhau ở mỗi khổ thơ.
- Những yếu tố nghệ thuật nào tạo nên sự khác nhau đó?
- Thời gian nghệ thuật lặp lại có tác dụng gì?
- Hai từ "giết nhau" được nhắc lại ba lần, ở các vị trí khác nhau nhằm mục đích gì?
- Câu hỏi tu từ phản ánh trạng thái tâm lí nào?
- Dồn nén sự buồn tủi dễ dẫn đến hành động quyết liệt. Hãy chứng minh điều đó trong khổ thơ này.
- So sánh tâm trạng của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm với người cung nữ trong đoạn trích này.
- Yếu tố nào tạo âm hưởng réo rắt, ai oán trong đoạn trích?
- Em có nhận xét gì về bút pháp tả tình của tác giả?
- Nhận xét chung về ý 2.
- Em hãy đặt tiêu đề cho ý 2.
Hướng dẫn HS đọc - hiểu ý nghĩa
- Qua đoạn trích em hiểu gì về thân phận người cung nữ?
- Các nội dung đó thể hiện khuynh gì của văn học đương thời?
- Qua đoạn trích, tác giả bộc lộ thái độ gì?
- Nêu những đóng góp của tác giả về phương diện nghệ thuật.
HS lựa chọn phương án trả lời đúng và lí giải sự lựa chọn của mình.
+ Nhóm 1: tìm hiểu ba khổ thơ 5, 6, 7
1. Xác định.
2. Phân tích.
3. Tìm, cảm nhận.
4. Bình luận.
5. Phân tích, lí giải.
6. Phân tích, nhận xét .
+ Nhóm 2: tìm hiểu hai khổ thơ 6,7.
1. Tìm từ, phân tích.
2. Lí giải.
3. Tìm từ, bình luận.
4. Phân tích.
5. Tìm, giải thích.
7. Đặt tiêu đề.
+ Nhóm 3: tìm hiểu hai khổ 8, 9
1,2,3. Xác định, phân tích.
4. Phân tích.
5. Lí giải.
6. Phân tích.
7. Chứng minh.
8. So sánh.
9. Phân tích.
10. Nhận xét
11. Nhận xét.
6. Đặt tiêu đề.
HS trả lời câu hỏi theo hướng dẫn
1. Trình bày.
2. Nêu ý kiến.
2. Đoạn 2
Có thể chia thành hai ý:
– ý 1 (Từ câu 17 đến câu 28): nỗi buồn tủi của người cung nữ trong cảnh chờ đợi, ngóng trông.
- ý 2 (Từ câu 29 đến hết): nỗi buồn tủi, oán giận của người cung nữ.
a) Ba khổ 5, 6, 7
- Điểm khác nhau: mỗi khổ thơ diễn tả một cung bậc khác nhau của nỗi buồn.
+ Khổ 5: nỗi buồn tủi trong cảnh cô đơn đáng sợ .
+ Khổ 6: nỗi buồn tủi trong sự chán ngán.
+ Khổ 7: nỗi buồn tủi đến khắc khoải, chán ngán đến ngẩn ngơ .
- Các yếu tố nghệ thuật biểu hiện tâm trạng
khổ 5
+ Chọn thời gian phù hợp để nhân vật trữ tình bộc lộ tâm sự:
Ngày sáu khắc, tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh, tiếng lắng chuông rền.
Thời gian được thể hiện đầy ắp tâm trạng (Đêm năm canh / Ngày sáu khắc). Mỗi từ gợi thời gian lại đi liền với một từ miêu tả tâm trạng: tin mong, tiếng vắng.
Sau đó là những hình ảnh ước lệ, hình ảnh tượng trưng: tin nhạn, tiếng chuông.
+ Các từ ngữ biểu cảm: vắng, rền diễn tả sự chờ đợi, ngóng trông triền miên, dai dẳng. Mong tin nhạn mà vắng bóng tin nhạn. Lắng nghe tiếng xe của nhà vua đến thì chỉ có tiếng chuông chùa vọng lại. Thật là một nghịch cảnh nhức nhối tâm can.
Các từ lạnh lùng (nghĩa là thiếu hơi ấm, thiếu tình cảm); cô miên (giấc ngủ cô độc, lẻ loi); tịch mịch (vắng vẻ); thâm u (tối tăm) xác nhận một thực tại cuộc sống cô đơn của người cung nữ.
- Để thoát ra khỏi cảm giác lạnh lẽo, cô đơn, người cung nữ đốt hương cho ấm áp căn phòng, thắp đèn cho sáng thêm nhưng vẫn tịch mịch, vẫn thâm u. Nỗi buồn thật u ám, nặng nề. Câu thơ là lời than, nói đúng hơn là một tiếng kêu cho cuộc sống bế tắc.
+ Biện pháp tu từ đối ngữ trong 2 câu thất: "Ngày sáu khắc / đêm năm canh" và cách đảo trật tự cú pháp tô đậm thêm nỗi buồn tủi ngậm ngùi trong cảnh chờ đợi đáng sợ.
Hai khổ 6, 7
+ Từ miêu tả tâm trạng
Biếng, buồn, tủi, sầu, rầu diễn tả tâm trạng chán chường, buồn tủi của người cung nữ. Đối với nàng tranh đẹp, trăng trong, lầu vàng đều trở nên vô nghĩa khi nàng phải sống trong cảnh chờ đợi vô vọng.
Buồn / ngán; khắc khoải / ngẩn ngơ: nghệ thuật đối diễn tả những cung bậc khác nhau của nỗi buồn. Từ buồn đến khắc khoải (băn khoăn, không yên tâm); từ chán ngán đến ngẩn ngơ (mất hết cả tinh thần).
Khắc khoải: diễn tả chính xác trạng thái băn khoăn, không yên tâm của người cung nữ. Người cung nữ biết mình bị bỏ rơi nhưng thẳm sâu trong lòng người cung nữ vẫn hi vọng có một ngày nào đó nhà vua sẽ nghĩ lại.
Từ tâm lí đó người cung nữ lo sợ nhan sắc sẽ tàn phai:
Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Để gầy bông thắm để xơ nhuỵ vàng.
+ Hình ảnh ẩn dụ: Hoa, bướm, các tính từ gầy, xơ cực tả cuộc đời thê thảm của người cung nữ, trong đó có cái buồn quằn quại, tức tối, chua chát, có lời oán trách gắt gao.
* Tiêu đề: Sự thất vọng nặng nề, nỗi sầu oán gay gắt trong cảnh ngày đêm chờ đợi ngóng trông
b) Hai khổ thơ 8, 9
- Nội dung chính: Cả hai khổ thơ đều diễn tả nỗi buồn tủi, oán giận. Nhưng mỗi khổ thơ biểu hiện một cung bậc tâm trạng khác nhau.
+ Khổ 8: nỗi giận hờn choán đầy nỗi lòng.
+ Khổ 9: nỗi giận hờn quyết liệt.
- Yếu tố nghệ thuật biểu hiện tâm trạng:
Khổ 8:
+ Thời gian nghệ thuật được lặp lại: "Đêm năm canh lần nương vách quế". Diễn tả cảm giác dài dằng dặc, tưởng như không bao giờ kết thúc. Nỗi buồn tủi như vượt quá sức chịu đựng của con người.
+ Điệp ngữ "Giết nhau" lặp lại ba lần gây ấn tượng về một sự tàn bạo, độc ác. (Giết bằng dao : đau thể xác; giết bằng "cái u sầu": đày đoạ trong cảnh chăn đơn gối chiếc khiến người ta chết dần chết mòn. Đấy là nỗi đau không thể hàn gắn được).
Cả khổ thơ khơi sâu nỗi đau trong tâm hồn nhân vật trữ tình và cắt cứa tâm can người đọc.
Khổ 9
+ Câu hỏi tu từ thể hiện ý trách móc, chất vấn kẻ xe duyên: "Xe thế này có dở dang không?" thể hiện sự dồn nén tâm lí bực mình. Đó là tâm lí của người đang bị đẩy vào ngõ cụt của cuộc đời tài sắc.
+ Hành động quyết liệt: dứt tơ hồng, đạp tiêu phòng. Người cung nữ muốn bứt phá để thoát khỏi sự giam hãm.
- So sánh tâm trạng của người chinh phụ với tình cảnh của người cung nữ:
+ Người chinh phụ lẻ loi vì nhớ chồng, muốn gửi nỗi nhớ thương cho chồng. Trong khi đó thiên nhiên lộng lẫy, nguyệt hoa quấn quýt, giao hoà mà người chinh phụ vẫn cô đơn. Nhưng dẫu sao vẫn còn hy vọng ngày chồng trở về.
+ Người cung nữ bị vua ruồng bỏ, ngày đêm đứng tủi, ngồi sầu, khắc khoải, chờ đợi vô vọng. Muốn bứt phá, thoát khỏi cảnh giam hãm mà bế tắc, tuyệt vọng đến thê thảm.
- Âm điệu của đoạn thơ: sự phối vần giữa câu thất trắc với câu lục bát vần bằng; vần lưng giữa câu thất bằng (chớ - dở), câu bát (hồng - phòng); vần chân giữa câu thất trước với câu lục (không - hồng) tạo âm hưởng réo rắt rất phù hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình.
- Bút pháp tả tình của tác giả: bút pháp tả tình tinh tế, mỗi khổ thơ một nét tâm trạng. Đúng như lời bình của Lí Văn Phức: "Bút pháp tả tình của Ôn Như thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân", nghĩa là "Trăm nghìn lần tôi luyện, mỗi câu đọc lên nghe đến ghê người".
* Tiểu kết
- Đoạn thơ đã miêu tả những diễn biến tâm lí phức tạp trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Từ sự chờ đợi ngóng trông triền miên dai dẳng đến nỗi buồn tủi ngậm ngùi. Từ sự bế tắc đến chán ngán, ngẩn ngơ.Tất cả tích tụ, dồn nén và biến thành hành động mạnh mẽ quyết liệt.
- Tiêu đề đoạn 2: nỗi sầu oán mạnh mẽ, quyết liệt.
V – Đọc - hiểu ý nghĩa
1. Giá trị hiện thực của tác phẩm
Nỗi sầu oán của người cung nữ phản ánh số phận bi thảm của người cung nữ bị bỏ rơi mà không được buông tha, phải sống khắc khoải, ngóng chờ vô vọng.
2. Giá trị nhân văn
Trích đoạn thể hiện khuynh hướng văn học thời đại: bênh vực quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.
- Qua trích đoạn, tác giả bộc lộ sự cảm thông với cảnh ngộ của người cung nữ cũng như khát vọng tự do, hạnh phúc của họ đồng thời lên án mạnh mẽ tính chất vô nhân đạo của xã hội phong kiến.
3. Giá trị nghệ thuật
Ngôn ngữ thơ điêu luyện, hàm súc, ám ảnh, đánh dấu bước phát triển mới của thể thơ Nôm tiếng Việt.
C – Kết luận chung
- Cung oán ngâm nói chung, đoạn trích nói riêng là một tiếng nói trữ tình tha thiết. Tác phẩm vừa giàu giá trị hiện thực, vừa thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc và là một đỉnh cao của văn chương trung đại Việt Nam.
IV – Củng cố bài
1. Điền từ thích hợp (dễ, để, đã, mới) vào dấu ba chấm trong câu thơ sau:
Cái buồn này ai .... giết nhau.
2. Viết Cung oán ngâm, Nguyễn Gia Thiều muốn gửi gắm ý tưởng gì?
a) Thể hiện số phận bi thảm của người cung nữ bị bỏ rơi
b) Thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với người cung nữ
c) Lên án chế độ cung nữ, bày tỏ sự phản kháng mãnh liệt
d) Thể hiện tiếng nói nhân văn sâu sắc của tác giả.
3. Các nhà thơ trung đại thường chọn thời điểm nào để cho nhân vật trữ tình bộc bạch nỗi niềm? Tìm những câu thơ chứng minh cho yếu tố được lựa chọn.
a) Sáng b) Đêm
c) Sáng và đêm d) Đêm khuya.
4. Nếu được chọn câu thơ cực tả thân phận thê thảm của người cung nữ, em chọn câu thơ nào? Vì sao?
* Gợi ý trả lời
1. dễ
2. d
3. Đêm khuya.
Chứng minh:
– Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
(Nguyễn Du)
– Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
(Hồ Xuân Hương)
– Thức mây đôi lúc nhạt nồng
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi Đông lại Đoài.
(Đoàn Thị Điểm)
4. HS tự cảm nhận.
V – Dặn dò:
- Bài về nhà : Cảm nghĩ của em về thân phận người cung nữ trong cung cấm.
- Ôn tập – Kiểm tra văn học
File đính kèm:
- Noi sau oan cua nguoi cung nu.doc